Cách trung tâm Sapa khoảng 12km , Tả Phìn không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, Tả Phìn còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mông và văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội như T ết nhảy của người Dao đỏ, lễ ăn thề, lễ mừng nhà mới của đồng bào các dân tộc.
Những năm gần đây số lượng khách du lịch ngày càng tăng cao . Khi du lịch Sa Pa phát triển đã làm xuất hiện một thị trường mua bán các đồ thổ cẩm với nhu cầu mua sắm của khách du lịch ngày càng tăng cao .Nắm bắt được tình hình đó, được sự giúp đỡ của huyện, làng thổ cẩm Tả Phìn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998 cho đến nay.
Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm... với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa. Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch...
Đến Tả Phìn vào bất cứ thời điểm nào trong năm, ở bất cứ nơi đâu, có thể là sân nhà, góc chợ hay lề đường, du khách đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm phụ nữ ngồi quây quần bên nhau thêu thùa và chuyện trò vui vẻ. Bằng các nguyên liệu đơn giản như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, chàm… qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ đã thêu, dệt nên những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc, bao gồm nhiều sản phẩm độc đáo như: váy, áo, khăn, mũ, ba lô, túi khoác du lịch, túi xách tay, ví, tranh...
Ngay từ khi 6 – 7 tuổi, các trẻ em gái ở Tả Phìn đã được các bà, các mẹ dạy cách cầm kim, xoắn chỉ và đếm sợi; sau đó là cách chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách thêu, dệt những sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp. Không chỉ dạy thêu thùa, các bà, các mẹ còn giải thích ý nghĩa của những hoa văn và đường nét trên từng tấm vải. Và khi đến tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ Mông sẽ được chia những mảnh nương riêng để trồng lanh. Khi cây lanh có chiều cao khoảng 2m thì cắt về, đem phơi khô rồi tách lấy vỏ. Khi tách phải hết sức khéo léo sao cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại, cho vào cối giã để đánh bong hết bột sao cho chỉ còn lại sợi dai, sau đó cuộn lại thành những con sợi lớn. Để đạt được độ trắng và mềm, sợi lanh phải qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong rồi mới dệt thành vải. Người Mông thường dệt vải bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải dệt xong phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng, sau đó trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi thật phẳng.
Công đoạn đòi hỏi nhiều công sức nhất là thêu hoa văn trang trí lên tấm vải. Mẫu thêu chủ đạo là xoáy ốc, hoa bí hoặc những hoa văn lấy cảm hứng từ thiên nhiên như cây, cỏ, hoa, lá, chim muông... Người Mông rất cầu kỳ khi thêu trang phục truyền thống của phụ nữ với đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Họ thêu riêng từng phần rồi khâu lại thành trang phục hoàn chỉnh. Mỗi tấm vải mang dấu ấn cá nhân rất rõ, thể hiện sự tinh tế của người thêu.
Thổ cẩm là một món quà không thể thiếu được cho du khách mỗi lần đặt chân tới Sa Pa. Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ để dùng trang trí, tô điểm thêm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai gái.
Sự khéo léo trong việc may vá, thêu thùa vừa là hành trang vào đời của các cô gái nơi đây và cũng là tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn bạn đời.
Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm Sa Pa không thể hoà lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào.